Cuộc thi “Hoa hậu Biển Việt Nam” 2024, một trong những sự kiện nhan sắc đáng chú ý nhất cuối năm, dự kiến diễn ra tại tỉnh Bình Thuận từ ngày 27 đến 31/12. Sự kiện đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đồng ý cấp phép tổ chức. Tuy nhiên, xung quanh cuộc thi này lại nổi lên nhiều tranh cãi liên quan đến tranh chấp bản quyền sở hữu tên gọi “Hoa hậu Biển Việt Nam”.
Ông Lý Minh Tuấn, người sáng lập cuộc thi “Hoa hậu Biển Việt Nam” 2016 và Hoa hậu Biển Việt Nam Toàn cầu 2018, đã gửi kiến nghị đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) và các cơ quan chức năng khẳng định mình là tác giả và chủ sở hữu hợp pháp của tên gọi “Hoa hậu Biển Việt Nam”. Hơn thế nữa, Ông Tuấn đã nộp đơn khiếu nại đối với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận khiếu nại việc chấp thuận cho Công ty Hoàng Duy được phép tổ chức cuộc thi với tên gọi “Hoa hậu Biển Việt Nam” 2024.
Theo ông Tuấn, cuộc thi “Hoa hậu Biển Việt Nam” được ông và Công ty Phương Nam sáng tạo, tổ chức từ năm 2016. Năm 2016, Công ty Cổ phần Thiết kế và Đào tạo Phương Nam (Công ty Phương Nam) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép tổ chức cuộc thi “Hoa hậu Biển Việt Nam” lấy tên cuộc thi là “Hoa hậu Biển Việt Nam 2016” theo Quyết định số 506/QĐ-BVHTTDL ngày 19/02/2016.
Năm 2018, Công ty Phương Nam tiếp tục được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép tổ chức cuộc thi “Hoa hậu Biển Việt Nam” lấy tên cuộc thi là “Hoa hậu Biển Việt Nam Toàn Cầu 2018” Giấy phép số 4086/GP-BVHTTDL ngày 28/09/2017.
Tuy nhiên, trong năm 2024, quyền sở hữu nhãn hiệu này lại thuộc về Công ty TNHH Truyền thông Giải trí Quốc tế Hoàng Duy do bà Nguyễn Hoàng Mỹ và Chủ sở hữu Công ty Hoàng Duy – Đơn vị đang tổ chức “Hoa hậu Biển Việt Nam” 2024 tại tỉnh Bình Thuận và được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bình Thuận chấp thuận cho Công ty Hoàng Duy sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký Quyền tác giả nêu trên để tổ chức cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam 2024.
Theo Luật sư Nguyễn Tuấn Minh, thuộc Đoàn luật sư Hà Nội cho biết: Căn cứ khoản 2 Điều 4 và khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung 2009, “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền tác giả phát sinh kể từ thời điểm tác phẩm đó được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.”
Cuộc thi “Hoa hậu Biển Việt Nam” đã được Công ty Phương Nam tổ chức thành công năm 2016 tại tỉnh Quảng Ninh và cuộc thi “Hoa hậu Biển Việt Nam Toàn cầu” 2018 đã được tổ chức vào năm 2018 tại đảo Phú Quốc, Kiên Giang. Đặc biệt, tên gọi cuộc thi “Hoa hậu Biển Việt Nam” đã được ông Lý Minh Tuấn và Công ty Phương Nam đăng ký quyền sở hữu trí tuệ tên gọi này với Cục Sở hữu Trí tuệ vào năm 2015 và được Cục Sở hữu trí tuệ công bố vào năm 2016.
Luật sư Nguyễn Tuấn Minh nhận định: Công ty Hoàng Duy đã có hành vi vi phạm luật sở hữu trí tuệ, khi sử dụng tên gọi “Hoa hậu Biển Việt Nam” mà không có sự đồng ý từ chủ sở hữu ban đầu là Công ty Phương Nam. Hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nếu xác định được hậu quả nghiêm trọng việc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của Tác giả sở hữu tác phẩm.
Ngoài ra, lỗi này còn bị xử phạt đối với hành vi kê khai không trung thực các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Đặc biệt, phải chịu biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan”, quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP.
Mặc dù biết Cuộc thi “Hoa hậu Biển Việt Nam” là do một tác giả khác đăng ký tổ chức lần đầu vào năm 2016, nhưng Công ty Hoàng Duy và cá nhân Bà Nguyễn Hoàng Mỹ vẫn cố tình đăng ký quyền tác giả tên logo cuộc “Hoa hậu Biển Việt Nam” để xin cấp phép tổ chức chương trình tại Bình Thuận.
Vấn đề trở nên phức tạp khi Công ty Hoàng Duy đã được Sở VHTTDL Bình Thuận cấp phép tổ chức cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam 2024. Điều này làm dấy lên câu hỏi về tính minh bạch và sự nhất quán trong việc cấp giấy chứng nhận bản quyền của chương trình này.
Bất chấp trước những tranh chấp, kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng về tính pháp lý không chính thức làm cho cuộc thi không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của sự kiện mà còn làm giảm niềm tin của công chúng đối với các cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam.
Khán giả và giới chuyên môn cho rằng, để bảo vệ giá trị văn hóa và du lịch biển đảo, điều cần thiết phải đặt vấn đề văn hóa lên hàng đầu, trong đó phải có sự minh bạch hơn trong quá trình tổ chức và giải quyết tranh chấp bản quyền. Nếu không, các sự kiện như thế này có nguy cơ bị lu mờ bởi những tranh cãi ngoài lề thay vì góp phần quảng bá văn hóa, thậm chí có thể thấy là không văn hóa.
Để bảo vệ uy tín và giá trị văn hóa của cuộc thi, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng xem xét lại tính pháp lý của các giấy chứng nhận liên quan, đồng thời đưa ra hướng giải quyết rõ ràng và thỏa đáng, trước một cuộc thi lớn, có tầm ảnh hưởng và mang đậm nét văn hóa và du lịch biển đảo.
Nhiều khán giả cho rằng, cần có sự minh bạch trong quá trình giải quyết tranh chấp trước khi cuộc thi chính thức diễn ra. Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi của các bên mà còn đảm bảo uy tín cho sự kiện trong mắt công chúng.
Trường hợp Công ty Hoàng Duy vẫn tiến hành tổ chức cuộc thi “HOA HẬU BIỂN VIỆT NAM 2024” và phát sóng chương trình trên đài truyền hình như kế hoạch thì sẽ vi phạm quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng. Hành vi này theo khoản 1 Điều 17 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP xử phạt với hình thức “Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định”./.