Những sản phẩm âm nhạc với câu từ phản cảm, xuyên tạc giá trị văn học, đạo đức lại trở thành trào lưu giới trẻ
Nhạc chế vốn tồn tại từ rất lâu, trước khi TikTok ra đời. Trên Facebook, YouTube, khán giả có thể tìm thấy vô số bản nhạc chế. Nhạc chế kiểu gì cũng có, từ phần lời hài hước, bình dân nhưng vẫn lành mạnh tới ngôn ngữ, nội dung nhảm nhí, dung tục. Tuy nhiên, nhạc chế ngày càng đáng lo ngại. Không chỉ các ca khúc nhạc trẻ mà những tác phẩm văn, thơ hay bài hát ca ngợi tinh thần dân tộc, vẻ đẹp quê hương đất nước hoặc gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ khán giả cũng bị đem ra biến tấu. Phần lớn bị chế thành sản phẩm có nội dung vô nghĩa, ngôn ngữ phản cảm và không giữ được tinh thần của tác phẩm gốc.
Lượm là một trong những bài thơ Việt Nam gây xúc động mạnh mẽ, được nhà thơ Tố Hữu sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Đặc biệt, hình ảnh chú bé Lượm đã làm rung cảm tâm hồn người đọc bởi sự hồn nhiên, ngây thơ. “Chú bé loắt choắt” đã hy sinh anh dũng trong một lần chuyển thư “thượng khẩn”. Lượm trở về với mảnh đất của quê hương, nhưng sự hy sinh của em không phải là vô nghĩa mà rất đáng tự hào.
Tuy nhiên, bài thơ này đang bị “chế” thành một đoạn nhạc sáo rỗng. Thay vì nói về hình ảnh và dáng vẻ của chú bé đưa thư dũng cảm, câu thơ đã bị biến tướng để chỉ một kiểu tóc của các bạn trẻ. Đáng nói hơn, bài nhạc này lại được một bộ phận dân cư mạng đón nhận, lồng ghép vào những video với động tác nhảy nhót phản cảm. Ngay lập tức, đoạn rap chế này đã trở thành trending và được lan truyền mạnh mẽ trên TikTok trong những ngày qua. Sau đó, đoạn clip gốc đã được gỡ xuống, nhưng đã xuất hiện hàng trăm tài khoản khác đăng lại nội dung đoạn rap này. Không chỉ vậy, đi kèm clip đó là những hình ảnh rất phản cảm, dung tục.
Theo đó, TikTok còn đưa lên xu hướng tìm kiếm và xuất hiện thêm cả xu hướng trong gợi ý người dùng đang tìm kiếm với nội dung “chubeloatchoat”. Các clip hình ảnh đi kèm bài rap chế lời là những cô gái ăn mặc gợi dục, khoe ngực… được các tài khoản đăng lên trên nền tảng. Việc các học sinh biến tấu bài thơ Lượm và có tính miệt thị lịch sử đã khiến dư luận phản ứng mạnh mẽ, đặc biệt là các bậc cha mẹ. “Các cháu học sinh bây giờ có nhiều hành động nông nổi, thiếu suy nghĩ và hay chạy theo xu hướng “nông” trên mạng xã hội. Qua việc các cháu học sinh chế nền nhạc vô nghĩa, xúc phạm đến hình ảnh chú bé Lượm của nhà thơ Tố Hữu và cách tạo dáng nhạy cảm, giẫm đạp lên bàn học, tôi thấy rằng nhà trường, cha mẹ cần chú trọng hơn nữa trong việc giáo dục đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống cho giới trẻ ngày nay”, chị H (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội), một phụ huynh chia sẻ.
Cần siết chặt nội dung trên mạng xã hội
Thời gian qua, nhiều cơ quan truyền thông đã phản ánh và lên án việc TikTok lan truyền các nội dung độc hại, phản cảm, thậm chí xúc phạm cả lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ngoài ra, TikTok cho phép người dùng tạo tài khoản và đổi tên thoải mái không cần xác minh, khiến cho tài khoản giả mạo xuất hiện nhan nhản. Nhiều tài khoản lấy các tên liên quan đến lực lượng thực thi pháp luật và đăng tải video cắt ghép sai sự thật. Trên nền tảng này cũng liên tục xuất hiện những nội dung giật tít, câu view, không phù hợp thuần phong mỹ tục,…gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ. Đồng thời, hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo tràn lan sản phẩm có dấu hiệu là hàng giả, hàng nhái, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.
Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm bản quyền cũng diễn ra ngang nhiên trên TikTok, không ít tài khoản vô tư lấy nội dung của các báo điện tử, đài truyền hình… và phát triển kênh cá nhân như một kênh đưa tin thời sự nóng mỗi ngày. Những vấn đề trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến bộ phận giới trẻ, khi thường xuyên tiếp xúc với văn hóa độc hại. Bên cạnh đó là hàng loạt những hệ lụy xấu tác động đến đời sống xã hội sẽ nảy sinh.
Tại buổi họp báo thường kỳ vào ngày 6/4 vừa qua, Bộ TT&TT cũng chỉ ra 6 sai phạm nghiêm trọng của TikTok. Đồng thời, Bộ TT&TT cũng đưa kế hoạch thanh tra toàn diện nền tảng trong tháng 5/2023 tới đây. Trong khoảng thời gian này, dễ thấy được việc nền tảng Tiktok dường như vẫn còn lỏng lẻo trong khâu kiểm soát nội dung đăng tải và để clip trên xuất hiện gây “bão mạng”.
Từ sự việc trên có thể thấy, về phía nhà trường và gia đình cần phối hợp quản lý, giáo dục để giúp các em biết chọn lọc các nội dung lành mạnh. Quan trọng hơn, phải đổi mới phương pháp giảng dạy lịch sử thông qua những nền tảng công nghệ, đồ họa hiện đại để giới trẻ có thể tiếp cận lịch sử Việt Nam phù hợp với lứa tuổi, thông qua lịch sử để tạo dựng nền tảng tri thức và lòng tự hào dân tộc. Từ đó, giới trẻ mới có “hệ miễn dịch” trước những nội dung thiếu văn hóa như cách xuyên tạc hình tượng chú bé Lượm. Đồng thời, cơ quan chức năng cần sớm thực hiện những biện pháp mạnh tay hơn nữa để ngăn chặn những nội dung xấu, độc hại, nhảm nhí, xúc phạm lịch sử trên các nền tảng mạng xã hội.