TTTĐ – Tác giả Cao Văn đã gửi lời bình bài thơ Nghiêng của thi sĩ Nguyễn Hồng Vinh với tựa đề “Tình yêu – điểm tựa cuộc đời” đến tòa soạn. Báo Tuổi trẻ Thủ đô trân trọng giới thiệu bài viết này!
NGHIÊNG
Nguyễn Hồng Vinh
Anh nghiêng vào vai em
Truyền nỗi niềm thương nhớ
Em nghiêng vào ngực anh
Muốn đếm từng nhịp thở
Sau mùa hoa phượng nở
Cánh phượng rải mặt sông
Ta nghiêng vào con sóng
Cùng ra khơi mênh mông
Nhớ đầu thời hoa niên
Những rụt rè, khờ khạo
Cùng nghiêng vào trang sách
Mà tim sao rung rung…
Rồi cơn mưa đêm ấy
Chung tấm áo ni lông
Nghiêng vào nhau nóng ấm
Đời thêm nồng yêu tin!
Nay trên tàu viễn dương
Ngả nghiêng ngàn đợt sóng
Hình em luôn bên anh
Vững thủy chung son sắt!…
Lời bình của Cao Văn
Tôi đã đọc nhiều bài thơ của Nguyễn Hồng Vinh và cảm nhận rằng, một trong những điều tôi tâm đắc là cách đặt tít bài thơ của ông thường mang sức gợi, chứa nhiều vỉa tầng ngữ nghĩa, mà bài thơ Nghiêng này là một ví dụ.
Tôi lần dở từ điển Bách hoa toàn thư, thấy chữ “Nghiêng” này có hàng chục nghĩa khác nhau: Nhà nghiêng, cây nghiêng, mái ngói xô nghiêng (chỉ sự vật); Nghiêng vào vai nhau, đẹp như nghiêng nước nghiêng thành, ngả nghiêng dao động (chỉ con người); Nghiêng đồng đổ nước ra sông (chỉ sức mạnh con người)…
Đọc hết bài thơ, tôi hiểu ngụ ý tác giả tập trung nói về tình cảm lứa đôi, những người chớm yêu cũng như những người đã yêu trong những thời điểm cụ thể, không gian cụ thể. Bài thơ “Nghiêng” nói trên là bài thơ trữ tình của Nguyễn Hồng Vinh với những rung động đầu đời của các bạn trẻ tưởng như cơn gió thoảng qua, nhưng ngẫm kỹ, thấy ngọt ngào, sâu lắng.
Khổ thơ đầu, tâm hồn “anh” như đang mênh mang trong sự hồi tưởng với những cái “nghiêng” mang niềm yêu thương và sự rung động đến nỗi em “đếm được từng nhịp thở”.
Từ khổ thơ thứ hai, tác giả bắt đầu đếm ngược thời gian với bao ký ức ùa về, từ lúc rời ghế nhà trường “Sau mùa hoa phượng nở”… “Ta nghiêng vào con sóng” để cùng ra khơi với những cánh phượng cuối hè, mà lúc đó, sóng như đang chở theo xốn xang của tuổi học trò. Nhà thơ sử dụng ngôn từ thật bình dị nhưng hài hòa, tuy hai nhưng là một, tuy một mà hai, thể hiện sự gắn kết, chia sẻ niềm vui, thắp lên hy vọng cuộc đời.
Dễ mấy ai quên thời học sinh phổ thông cuối cấp, cả hai “Cùng nghiêng vào trang sách / Mà sao tim rung rung…”. Có lẽ tình cảm bắt đầu nảy nở tình yêu từ đây, khi cả hai chụm đầu vào trang sách như có một làn sóng điện từ phát ra làm cho hai con tim rung động, cả hai thấy ngỡ ngàng và mang nhiều dự vị.
Đây là những ký ức ngọt ngào, trong trẻo, sưởi ấm hai con tim như đang hòa quyện vào nhau. Đọc khổ thơ này, độc giả như muốn quay trở lại độ tuổi trăng tròn: “Rồi cơn mưa đêm ấy / Chung tấm áo ni lông / Nghiêng vào nhau nóng ấm / Đời thêm nồng yêu tin”. Cả hai tìm thấy “một điểm tựa tinh thần” giúp hai người đứng vững, cho dù có bão táp, mưa sa.
Khổ thơ cuối đã gợi nhớ những cái “nghiêng” trên boong tàu viễn dương. Anh đã trưởng thành, sóng biển từng làm nghiêng ngả các thủy thủ nhưng hơn lúc nào, anh lại cảm nhận “hình em luôn bên cạnh”, cùng động viên nhau “vững thủy chung son sắt”.
Tác giả khéo léo gắn kết khổ thơ đầu và khổ thơ cuối với tâm trạng nhớ nhung, các khổ thơ giữa là chuỗi ngày kỷ niệm. Đọc bài thơ này của Nguyễn Hồng Vinh, ai cũng như thấy có nỗi lòng mình trong đó. Chỉ một chữ “nghiêng” thôi, nhưng hàm chứa bao ký ức đẹp đẽ, khó phai gắn với những cung bậc tình yêu vừa đủ vị ngọt…
Cảm ơn Nguyễn Hồng Vinh đã gửi một thông điệp, nói thay cho mọi bạn đọc: Tình yêu luôn là một điểm tựa quan trọng của con người, hãy gìn giữ và làm lung linh thêm hương vị cuộc sống!