Đài Loan, vài nét chấm phá
Nguyễn Duy Nghĩa
Khác ta từ chuyện nhỏ
Chuyện nước ngoài nay không còn lạ, song phải kể. Cứ ra bên ngoài là thấy họ khác ta từ chuyện nhỏ, với Đài Loan cũng vậy.
Cảm giác hiền hòa, yên bình bao trùm có vẻ như kênh với nhịp sống hối hả, trật tự. Ô tô chạy nhanh đã đành, xe máy cũng sánh ngang, qua giao lộ càng vun vút. Bất cứ xe nào đều không thể, không dám chạy ngược chiều, lạng lách. Khách bộ hành càng không liều sang đường bất kể chỗ nào, phải chờ đèn xanh mới đưa chân xuống đường, đúng khung vạch sang ngang trong số giây phút đèn hiệu hình người rảo bước. Xe buýt không có phụ lái, khách nhanh bước lên, lặng lẽ đứng ngồi, lẹ chân xuống. Chưa một lần thấy bóng cảnh sát.
Hè có mái che thực ra là sàn nhà của tầng trên đua ra có cột đỡ thành hành lang rộng, phẳng, sạch, mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu và chỉ để… đi bộ. Xe không leo lên hè, dựng vướng lối. Chẳng tòng teng gánh hàng rong. Nhà mặt tiền không kê bàn ghế chềnh ềnh, bầy hàng, dù che, mái vẩy… ra hè. Buổi đầu tinh mắt mới tìm được “phạn điếm” (quán cơm, quán ăn). Cũng cơm đĩa cơm, cơm món, tô mì, ổ bánh. Quen ở ta gọi thêm mì là được mì thêm nhưng phải thêm 20 Đài tệ (*), tô bự hơn, ăn ngắc ngứ. Kêu bia, người chạy bàn mang cốc nhưng chỉ như cỡ cốc uống chè chén vỉa hè của ta. Người nhâm nhi thì vừa, dân ghiền một tợp thòm thèm. Chẳng phải họ không muốn bán mà không muốn thực khách dô… dô.
Những chuyện thường tình đó ở nhiều nước như vậy, song ở ta khác, bảo là vặt vãnh nhưng dứt bỏ khó như…lên trời.
Nhiều người Việt
Ở Đài Loan có nhiều người Việt có lẽ do bà con ta chấp nhận làm nhiều loại công việc hơn so với các nhóm nhập cư từ các quốc gia khác, ngay cả với người bản xứ. Phần đông làm tại các xưởng máy, công trường, tàu cá. Một số phục vụ nhà hàng, chăm sóc người già, lấy chồng bản địa. Mấy năm gần đây nhiều bạn trẻ chọn Đài Loan du học, người ta rồi sẽ nhiều.
Đến sân bay Đào Viên, vào quầy mua sim điện thoại chuyển mạng gặp nhân viên người Việt. Về khách sạn cũng có người Việt, chọ chẹ vài tiếng Trung thì được đỡ lời bằng tiếng Việt xịn. Trên Vietjet Air về nước, ngồi cạnh chàng trai liền ti toe mấy câu Hoa ngữ vừa học mót thì anh bạn hào hứng bắt chuyện bằng giọng Xứ Đoài Sơn Tây: Gia đình cháu sang đây đã mười năm, con học bài bản, bọn cháu chỉ truyền khẩu. Đài Loan dùng chữ Hán phồn thể (đủ bộ), đại lục dùng chữ giản thể, cùng âm nhưng nhận mặt chữ và viết thì quá khó.
Điểrm du lịch chỉ thấy …du khách
Điểm du lịch chỉ thấy …du khách, không la liệt lều quán, ghế bàn, kẻ lôi người kéo. Chẳng lẽ họ không biết kết hợp du lịch với kích cầu tiêu dùng, “dụ” khách vào xâu, đi lâu, tiêu hết. . . .. Đâu phải, đến Đài Loan chỉ e chẳng đủ sức du chơi, không còn thời gian, cạn tiền. Khu thương mại tách biệt không xa điểm vui chơi.
Tháp biểu tượng . Đó là toà tháp cao 101 tầng, tiếng Hán nói gọn là “ỳ ling ỳ”, nằm ở quận kinh doanh của Đài Bắc, vừa là một kiệt tác công nghệ hiện đại, vừa là một điểm hút khách du lịch. Tới Đài Bắc thể dễ dàng đến Tháp 101 với ga tàu điện ngầm ngay bên cạnh, kết nối với phần còn lại của Thành phố.
Tòa tháp xây dựng năm 1999, cao 509m với thang máy thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Đây từng là tòa tháp cao nhất thế giới bởi đến 2010 tháp Burj Khalifa (Dubai, UAE) được dựng lên thì tháp 101 bị soán ngôi. Nhìn thực địa có cảm giác ngọn tháp “chọc trời” là bởi độ cao kiến trúc trung bình của Thành phố Thủ phủ khiêm tốn. Người ta bảo do Hòn đảo này thường động đất nên ít nhà ngất ngưởng.
So dân số cùng lượng khách du lịch khoảng 10 triệu lượt người/ năm với diện tích, rừng núi chiếm kha khá, tưởng Đài Bắc sẽ lũ lượt dòng người. Song đường phố thông thoáng, thì ra các công trình ngầm như trung tâm thương mại, tàu điện, điểm du lịch… đã “hút” các dòng người đó.
Tháp 101 Đài Bắc
Bảo tàng Cố cung. Đóng tại quận Sỹ Lâm, Đài Bắc, Bảo tàng Cố cung trước đó để các vua chúa ngự sau khi thoái vị, đến 1965 thành bảo tàng hàng trăm nghìn hiện vật tinh túy của nền văn minh Trung Hoa qua nhiều triều đại, từng được tái hiện trong các bộ phim sử thi Trung Quốc. Mỗi tòa nhà trưng bày là một mê cung và đều được giới thiệu bằng nhiều thứ tiếng. Ước ao được quay lại.
Bảo tàng Cố Cung
Ẩm thực. Điều khiến du khách ham đến Đài Loan còn do muốn được tường tận thưởng ngoạn danh xưng “Cộng hoà Ẩm thực Quốc tế.” Ẩm thực Đài Loan kế thừa gốc “Cơm Tàu”, được nhân lên bằng nghệ thuật bếp núc điêu luyện, đa dạng khẩu vị, chiều thực khách, xem ăn uống cũng là một cách khuyếch trương văn hóa. Thưởng thức ẩm thực Đài Loan mà chỉ vào các Nhà hàng danh tiếng thì chưa đủ mà phải tới chợ đêm, món bình dân có, đặc sản cũng có. Đầu bếp tung hứng như xiếc rỡn với ngọn lửa phừng phừng.
Chợ đêm. Đài Loan có chuỗi chợ đêm trong đó cấp chợ đêm không thể bỏ lỡ ở Đài Bắc nhiều nhất, tất thảy đều dàn dụng đàng hoàng, lộng lẫy, biển hiệu hoành tráng, quầy sạp ngay hàng thẳng lối, mời chào lịch thiệp. Hàng công nghệ, thủ công phong phú, bắt mắt, giá mềm so với hàng trong trung tâm thương mại. Thế mạnh ẩm thực được phát huy, ăn khuya, ăn nóng, ăn nhanh. Người người chen chân thích cánh, huyên náo, khi cần vẫn lặng lẽ xếp hàng.
Chợ Đêm Sỹ Lâm
Bang giao kinh tế
Việt Nam là đối tác ngoại thương lớn thứ 10 của Đài Loan, năm 2022, thương mại hai chiều đạt 27,82 tỷ USD, tăng 2,42 tỷ USD so với năm 2021, trong đó, Việt Nam xuất khẩu 5,1 tỷ USD, tăng 11% và nhập khẩu 22,72 tỷ USD, tăng 9,4%, ta nhập siêu 17,62 tỷ USD, khi 2021 chỉ 16,2 tỷ USD. Việc nhập siêu là bởi Đài Loan có nhiều dự án đầu tư lớn tại Việt Nam, nên Họ phải đưa nguyên vật liệu thô và bán thành phẩm vào, hoàn thiện rồi bán sang nước khác. Ngoài ra, dân ta cũng chuộng hàng Đài Loan, chí ít cũng yên tâm hơn hàng xô bồ “thẩm” qua biên giới.
Mấy thập kỷ qua, nhiều doanh nhân Đài Loan tới Việt Nam đầu tư vào dệt may, da giày, nội thất….Lo thương chiến, nhiều nhà đầu tư của Lãnh thổ này đang ở địa bàn khác liền chuyển sang ta – bến đỗ mới, an toàn.
Một trong những mối lương duyên đó là chè ô long Đài Loan với viên tròn, nhỏ được sản xuất bằng quy trình độc đáo, hương vị đặc trưng. Họ mang sang Lâm Đồng một số giống trà nổi tiếng như: Kim Huyền, Ngọc Thúy, Ô Long Thanh Tâm. Hợp thổ nhưỡng được chăm bẵm, chế biến theo công nghệ gốc nên sớm có những đồi trà xanh bạt ngàn. Lứa sản phẩm đầu tay được lòng các thương gia Đài Loan. Có tới 90% lượng trà thành phẩm của Tỉnh được “vinh quy ” về nơi xuất sứ.
Thăm quê hương danh trà bằng cáp treo vun vút tới đỉnh núi, thỏa sức thu vào tầm mắt ngàn trùng xanh, mát như quạt hầu, nhâm nhi ngụm chè ô long chính gốc và không quên mua chè sữa.
Đài Loan không khác các nước phát triển, chẳng lạ với nhiều người mà vô tư khoe chợt thấy mình hơi ngố. Từ thập niên 60 thế kỷ trước, Hòn đảo này đã bước đi thần tốc, tạo nên kỳ tích Đài Loan – một trong các con rồng Châu Á ./.
—————————–
(*) Tiền Đài Loan, 1 Đài tệ ăn khoảng 800 đồng Việt Nam
———————————————————————