Ung thư tuyến giáp nên ăn gì, kiêng gì?
Người bệnh ung thư tuyến giáp nên ăn thức ăn mềm, lỏng, cắt nhỏ hoặc xay nhuyễn; tránh đồ chua, cay, mặn vì có thể khiến viêm loét miệng, họng nặng hơn.
Theo TS.BS Trần Hải Bình – Phó Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, bên cạnh điều trị, chăm sóc dinh dưỡng có vai trò quan trọng, giúp chống lại tình trạng suy dinh dưỡng, suy kiệt ở bệnh nhân ung thư. Các nghiên cứu cho thấy, dinh dưỡng có thể góp phần tăng hiệu quả điều trị, tiên lượng tốt hơn ở bệnh ung thư tuyến giáp nói riêng và các bệnh ung thư nói chung.
Dưới đây là một số thực phẩm mà người ung thư tuyến giáp nên ăn, nên hạn chế.
Thực phẩm nên ăn
Bác sĩ Bình cho biết, thông thường trong vòng 2-4 tuần đầu sau điều trị bằng thuốc phóng xạ I-ốt 131, bệnh nhân ung thư tuyến giáp có thể bị viêm niêm mạc miệng, họng dẫn đến chán ăn. Chế độ ăn mềm và lỏng với các loại thực phẩm cắt miếng nhỏ hoặc xay nhuyễn giúp người bệnh dễ nhai, nuốt và tránh làm tổn thương thêm các vùng niêm mạc miệng, họng.
Trong trường hợp chán ăn, người bệnh nên lựa chọn các loại thực phẩm giàu calo-protein. Bạn có thể ăn thức ăn nóng ấm hoặc để lạnh tùy thích. Bởi vì một số đồ ăn khi còn nóng sẽ nặng mùi và có thể kích thích cơn buồn nôn dẫn đến sợ ăn. Ăn thức ăn lạnh cũng là một giải pháp tốt. Khi có biểu hiện buồn nôn, bạn nên chọn thức ăn giòn và có vị mặn; tránh chất béo và thức ăn cay.
Bệnh nhân ung thư tuyến giáp sau phẫu thuật và điều trị thuốc phóng xạ I-ốt 131 nếu xuất hiện triệu chứng khó nuốt, rối loạn tiêu hóa và viêm niêm mạc họng miệng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng sụt cân. Người bệnh cần chế biến thức ăn loãng hơn.
Nếu ăn uống khó khăn khiến thể chất suy giảm, không đủ điều kiện sức khỏe theo đuổi phác đồ điều trị, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ điều trị hoặc bác sĩ dinh dưỡng để có thể sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng cao năng lượng hoặc chế độ nuôi ăn chuyên biệt.
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bên cạnh phác đồ điều trị, các bác sĩ khoa Ung bướu luôn phối hợp cùng bác sĩ khoa Dinh dưỡng để xây dựng chế độ ăn phù hợp với từng người bệnh, từng giai đoạn điều trị. Điều này vừa giúp người bệnh vừa đảm bảo về dinh dưỡng vừa thoải mái, yên tâm điều trị vì luôn có sự đồng hành của bác sĩ trong những sinh hoạt hàng ngày.
Thực phẩm nên kiêng
Theo bác sĩ Bình, không có chế độ ăn kiêng nào được chứng minh có hiệu quả trong việc điều trị ung thư hoặc ngăn ngừa sự tái phát. Các bác sĩ ung bướu, dinh dưỡng đều chống chỉ định ăn kiêng đối với bệnh nhân ung thư nói chung, bao gồm cả bệnh nhân ung thư tuyến giáp.
Chế độ ăn hạn chế năng lượng dung nạp không được khuyến khích ở bệnh nhân ung thư bị suy dinh dưỡng hoặc có nguy cơ suy dinh dưỡng. Bởi vì chế độ ăn này khiến cơ thể thiếu hụt năng lượng, chất béo, protein cũng như thiếu vi chất dinh dưỡng. Ví dụ, chế độ ăn kiêng ketogenic được nhiều bệnh nhân ung thư áp dụng, nhưng không có nghiên cứu lâm sàng nào chứng minh hữu ích. Chế độ ăn ketogenic có thể không đủ cung cấp năng lượng khiến bệnh nhân ung thư sụt cân hơn nữa.
Do tình trạng viêm niêm mạc miệng, họng thường xảy ra sau điều trị, người bệnh ung thư tuyến giáp nên kiêng thức ăn cay, mặn, chua. Bởi vì chúng có thể gây kích ứng, khiến các vùng tổn thương nặng hơn. Thức ăn khô cứng và miếng to cũng cần hạn chế vì khiến người bệnh khó nhai, nuốt.
Bác sĩ Bình lưu ý người bệnh cũng cần giữ vệ sinh răng miệng hàng ngày, có thể dùng các loại nước súc miệng có thành phần bicarbonate hoặc axit hyaluronic cao phân tử hoặc chiết xuất lô hội. Trường hợp viêm loét miệng nặng, người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ điều trị để có hướng xử trí phù hợp.