Tamtinh.vn- Thực trạng hàng giả, hàng nhái đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Sự bùng nổ của hoạt động kinh doanh hàng hóa online đặt ra thách thức lớn trong công tác kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng. Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm tư vấn chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu (PCCP), Nguyễn Xuân Bình có cuộc trò chuyện cùng PV xung quanh vấn đề này.
Ông Nguyễn Xuân Bình_Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm tư vấn chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu (PCCP)
Ông đánh giá thế nào về thực trạng hàng giả, hàng nhái hiện nay?
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc, triệt phá nhiều đường dây sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái và đã đạt những kết quả tích cực, tuy vậy, trên thực tế vẫn chưa được như kỳ vọng.
Hiện nay, các đối tượng sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi, với nhiều thủ đoạn khó lường. Nhất là trong thời gian gần đây, các đối tượng thường sử dụng nền tảng mạng xã hội (facebook, zalo…) để bán hàng phạm pháp, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý của lực lượng chức năng.
Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng trên các sàn thương mại điện tử ngày càng tinh vi. Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online; phân tán hàng hóa nhiều nơi; giao hàng với số lượng dè dặt, nhỏ lẻ; bán hàng qua cộng tác viên trung gian. Trong nhiều trường hợp, hàng hóa không có hóa đơn chứng từ và được thanh toán qua đơn vị trung gian, khó xác minh đối tượng bán. Ngoài ra, các website và mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng và khó kiểm soát. Chính vì thế, thương mại điện tử đang là mảnh đất màu mỡ để các đối tượng làm hàng gian, hàng giả lợi dụng để hoạt động.
Với sự phát triển nhanh và mạnh của thương mại điện tử, có thể thấy, sự giao lưu kết nối giữa người mua và người bán ngày càng nhanh chóng và thuận tiện hơn. Người tiêu dùng không cần phải đến tận nơi để mua hàng mà chỉ cần ngồi tại chỗ làm việc, ở nhà “click” chuột là đã có thể mua sắm theo nhu cầu, sở thích cá nhân. Tuy nhiên, cũng bởi sự thuận tiện này, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường trực tuyến. Thực thế đã không ít người tiêu dùng đã bị lừa khi mua hàng online, nhưng không phải ai cũng lên tiếng đòi lại quyền lợi cho mình. Phần lớn người tiêu dùng chấp nhận thà mất chút tiền còn hơn tìm đến cơ quan chức năng để phản ánh, kiện cáo.
Vậy, theo ông, để ngăn chặn thực trạng trên, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải làm gì?
Để kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả thị trường, ngăn chặn các hành vi sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, nhất là trong lĩnh vực thương mại điện tử, cơ quan quản lý nhà nước cần đổi mới phương thức quản lý, có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, quyết liệt giữa các bộ, ngành, các lực lực lượng thực thi, kiểm soát cả thị trường tiêu thụ và “đầu vào” của hàng hóa.
Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế, chính sách và có chế tài xử phạt đủ sức răn đe, qua đó vừa góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, vừa thúc đẩy thị trường phát triển bền vững, đồng thời tránh thất thu thuế cho Nhà nước. Cần xây dựng một Nghị định quản lý mới hoàn thiện về xử lý vi phạm hành chính trong thương mại điện tử và nhất thiết phải có chế tài mạnh đủ sức răn đe để các đối tượng không dám vi phạm.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, không tham gia mua bán các loại hàng hóa vi phạm, hàng kém chất lượng; không tiếp tay cho các đối tượng phạm pháp, làm ảnh hưởng đến doanh thu, uy tín của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh làm ăn chân chính. Thực chất trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái thì vai trò của người tiêu dùng là mắt xích quan trọng. Nếu người tiêu dùng kiên quyết tẩy chay các hàng hóa này thì các đối tượng vi phạm sẽ bị ngăn chặn đầu ra. Việc này không chỉ là bảo vệ quyền lợi của mình mà còn chống lại hành vi phá hoại sản xuất, kìm hãm sự phát triển nền kinh tế đất nước, góp phần giúp thị trường hàng hóa lưu thông lành mạnh.
Cùng với đó, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không được buông lỏng trong quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hoá của mình, không nên coi việc chống hàng giả, hàng nhái là việc của các cơ quan thực thi pháp luật. Khi bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cần chủ động gửi đơn khiếu nại hoặc thông qua văn phòng luật sư để khiếu nại đến các cơ quan thực thi, bảo vệ thương hiệu sản phẩm và uy tín của đơn vị.
Cuộc đấu tranh chống vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là công việc không chỉ của riêng ai, mà phải là của toàn xã hội; đồng bộ, quyết liệt phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan thực thi, nâng cao ý thức của các tổ chức, cá nhân. Có như vậy mới từng bước đẩy lùi được vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang tràn lan hiện nay.
Ông có thể chia sẻ về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm tư vấn chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu (PCCP) trong việc đồng hành chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp?
PCCP là tổ chức công lập được Liên Hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam thành lập theo Quyết định số 388/QĐ- LHHVN và phê duyệt Điều lệ tổ chức hoạt động số 389/LHHVN ngày 19/4/2019.
PCCP với những chức năng nhiệm vụ: Tập hợp các nhà khoa học, các chuyên gia có kinh nghiệm trong hoạt động cộng đồng, các cán bộ có trình độ chuyên môn cao tiến hành nghiên cứu thực hiện các đề tài dự án và tư vấn dịch vụ khoa học và công nghệ nhằm góp phần vào sự phát triển trong việc phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và chống gian lận thương mại.
Xây dựng mạng lưới các ngân hàng dữ liệu, lưu giữ mẫu vật phẩm làm đối chứng cho các nhà sản xuất, thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa để phát hiện. Chống và thực hiện tư vấn các bước nhằm bảo vệ thương hiệu cho các đối tác.
Xây dựng quy trình ngăn chặn phát hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại cho các nhà sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa. Thực hiện tư vấn các bước nhằm bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu cho các đối tác.
Tư vấn Luật thương mại phát hiện việc gian lận thương mại; đại diện giải quyết tranh chấp thương mại trong nước và quốc tế…
Trung tâm hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự quản, tự trang trải về tài chính theo đúng quy định của pháp luật Nhà nước, Điều lệ và các quy định của Liên Hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.
Đơn vị tự chủ bộ máy, nhân lực, tài chính độc lập; xây dựng kế hoạch hoạt động theo chức năng nhiệm vụ; hợp tác, liên kết liên doanh nhận tài trợ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phù hợp với chức năng nhiệm vụ của trung tâm.
Hội đồng quản lý đã tập hợp được nhiều cán bộ có năng lực, trình độ, có kinh nghiệm, đã và đang tham gia quản lý tại các cơ quan nhà nước, các tổng công ty lớn, tập đoàn trong và ngoài nước và có tâm huyết trong việc phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại.
Thời gian qua, trung tâm luôn nỗ lực tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chính: Tư vấn cung cấp dịch vụ khoa học cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu thương mại; xây dựng mạng lưới các ngân hàng dữ liệu, lưu giữ mẫu vật phẩm làm đối chứng cho các nhà sản xuất, thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa; xây dựng quy trình ngăn chặn phát hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại cho các nhà sản xuất, thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa.
Hội đồng khoa học tập trung cao độ kiến thức đã tiếp nhận tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học xây dựng bộ giáo trình giảng dạy để giảng dạy tập huấn, đào tạo, cấp chứng chỉ chuyên môn trong lĩnh vực phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại theo mô hình xã hội hóa.
Trân trọng cảm ơn chủ tịch!
Tâm An